Tây Ninh hướng đến một nền công nghiệp chất lượng và bền vững
Chủ nhật - 20/05/2018 20:49 Đọc bằng audio
4.6390
Những năm gần đây, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới song sản xuất công nghiệp Tây Ninh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, GTSX năm sau luôn cao hơn năm trước, các sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng hóa.
Tỉnh đã thu hút và đưa vào hoạt động một số dự án có quy mô lớn tại các KCN. Đến nay, có trên 170 dự án đang hoạt động tại các khu - CCN trên địa bàn, hàng năm chiếm trên 45% GTSX toàn ngành Công nghiệp. Hoạt động sản xuất công nghiệp ngày càng được nâng cao về lượng và chất đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP hàng năm của tỉnh (theo giá so sánh 2010), trong đó năm 2010 tăng 9,78% (công nghiệp góp 4,26 điểm), năm 2016 tăng 7,81% (công nghiệp góp 4,05 điểm; tăng trưởng 15,36% so cùng kỳ); GRDP năm 2017 ước thực hiện tăng 8%, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16% so với cùng kỳ 2016.
Đến nay, công nghiệp Tây Ninh đã hình thành được một hệ thống khá đồng bộ gồm 6 ngành sản xuất chủ yếu (chế biến hàng nông sản, gạch và xi măng, sản phẩm cao su & plastic, dệt may, sơ chế da, các sản phẩm từ kim loại) với GTSX chiếm tỷ trọng khoảng 77,73% GTSX toàn ngành công nghiệp. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm hiện có 126 doanh nghiệp đang hoạt động với sản phẩm chủ yếu: đường cát, tinh bột mì...; giai đoạn 2010-2016, GTSX của ngành tăng bình quân 11,46%/năm. Lĩnh vực công nghiệp dệt - may hiện có 60 doanh nghiệp đang hoạt động, sản phẩm chủ yếu là dệt vải, sợi, trang phục; giai đoạn 2010-2016, GTSX của ngành tăng bình quân 23,4%/năm. Công nghiệp da-giày đã có sự chuyển dịch khá nhanh trong cơ cấu nội bộ ngành. Nếu như năm 2005, lĩnh vực công nghiệp da-giày chỉ chiếm tỷ trọng 1,9% so với GTSX toàn ngành thì đến năm 2016 đã tăng lên 18,68%; bình quân giai đoạn 2010-2016 GTSX tăng 61,94%/năm. Lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su plastic hiện có 40 doanh nghiệp đang hoạt động, sản phẩm bao gồm: vỏ ruột xe các loại, cao su kỹ thuật các sản phẩm từ nhựa; giai đoạn 2010-2016, GTSX của ngành tăng bình quân 23,64%/năm. Riêng lĩnh vực công nghiệp sản xuất chất khoáng phi kim loại hiện có 68 doanh nghiệp đang hoạt động với cơ cấu sản phẩm hết sức đa dạng như: xi măng, clanke, gạch sét nung, gạch bê tông bọt, gạch xi măng cốt liệu,.. trong đó GTSX của công nghiệp xi măng chiếm khoảng 74,3% của ngành này. Công nghiệp cơ khí phát triển mạnh ở lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm từ kim loại (68 doanh nghiệp).
Đóng góp cho tăng trưởng chung của Công nghiệp Tây Ninh đã có sự đóng góp không nhỏ của công tác khuyến công. Trong giai Giai đoạn 2010-2017, tỉnh đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp, cơ sở (khuyến công quốc gia 16 đề án với kinh phí 2,740 tỷ đồng, khuyến công địa phương 14 đề án với kinh phí 1.851,5 triệu đồng).
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công Thương Tây Ninh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 14,5% trở lên; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 41% - 42% trong cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng vững chắc để Tây Ninh tăng tốc trên đường CNH – HĐH. Định hướng trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm sản xuất từ đường, tinh bột mì, cao su, khoáng sản; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày, các sản phẩm cơ khí công nghệ cao, linh kiện và thiết bị điện, điện tử, công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Trong đó chủ trọng các giải pháp khai thác tối đa nguồn lực về vốn, tài nguyên, lao động, khoa học và công nghệ; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu - CCN để thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Công nghiệp Tây Ninh đã và đang từng bước thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp nhằm mục tiêu tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm; chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác. Công nghiệp tỉnh định hướng sẽ thu hút các dự án tập trung phát triển vào các khu - CCN, từng bước hình thành một nền công nghiệp chất lượng và bền vững. Tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp công nghệ cao thông qua các chính sách: khuyến công, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách thuế.../.
Tác giả bài viết: Kim Phương – SCT
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến công & TVPTCN Tây Ninh: