Tây Ninh, cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp chế biến cao su trên địa bàn
Chủ nhật - 20/05/2018 20:36 Đọc bằng audio
4.8490
Tây Ninh, cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp chế biến cao su trên địa bàn
Tính đến hết năm 2016, diện tích trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 99.356 ha (chiếm 15,96% so tổng diện tích cao su cả nước), sản lượng mủ khai thác đạt 187.148 tấn/năm cung cấp cho các nhà máy chế biến mủ trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm, các doanh nghiệp còn nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu cao su qua biên giới Campuchia về chế biến (năm 2015 nhập 453.246 tấn; 2016 nhập 1.671.230 tấn). Công nghiệp chế biến mủ cao su có 25 nhà máy chế biến đang hoạt động của 21 doanh nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 180.000 tấn sản phẩm/năm (năm 2017, thêm 02 dự án đầu tư mới với tổng công suất 33.000 tấn sản phẩm/năm). Sản lượng săm, lốp xe các loại sản xuất hàng năm của các nhà máy trên địa bàn tỉnh so với cả nước: năm 2015 chiếm tỷ trọng 22,86%, năm 2016 chiếm25,62%. Nguyên liệu sản xuất của các nhà máy chủ yếu là nhập khẩu (năm 2016 nhập 67.343 tấn, tăng 37,48% so với 2015). Theo tinh thần Hội thảo Xúc tiến đầu tư tại Thanh Đảo (Trung Quốc) của lãnh đạo UBND tỉnh và tập đoàn Sailun. Tháng 9/2017, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã chủ trì phối hợp với Sở Công Thương,Công ty TNHH Sailun (Việt Nam) tổ chức hội thảo “tăng cường liên kết doanh nghiệp ngành cao su tỉnh Tây Ninh và doanh nghiệp FDI” tại Công ty Sailun (Việt Nam)-KCN Phước Đông. Buổi Hội thảo là cầu nối để các doanh nghiệp cao su, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến mủ trên địa bàn tỉnh mở rộng, kết nối cơ hội hợp tác cung ứng nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cao su của doanh nghiệp. Công ty Sailun (Việt Nam) là 1/07 doanh nghiệp sản xuất săm, lốp cao su trên địa bàn tỉnh, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD tại KCN Phước Đông hiện là doanh nghiệp đứng đầu của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất lốp xe cao su (dòng sản phẩm PCR, TBR, OTR) với công suất 8 triệu lốp OTR/năm (giai đoạn 1), nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhà máy khoảng 45.000 tấn cao su/năm (SVR10, SVR3L, SRR3).
Tại buổi hội thảo này Công ty Sailun (Việt Nam) mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng nguyên liệu tốt nhất cho nhà máy chế biến, việc sử dụng nguyên liệu từ các nhà máy trong tỉnh sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp so với nguyên liệu nhập khẩu. Hiện công ty sử dụng khoảng 50% nguyên liệu do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cung cấp, nhập khẩu từ Thái Lan. Đối với nguyên liệu từ các nhà máy chế biến trong tỉnh, doanh nghiệp cho rằng các chỉ tiêu chưa đạt về chất lượng (cao su sống, còn tạp chất). Về phía các doanh nghiệp trong tỉnh cũng cho rằng, Công ty Sailun (Việt Nam) cần có hợp đồng cụ thể quy định về chất lượng nguyên liệu mủ cung cấp, có một kênh liên hệ chính thống và cần tìm một giải pháp chung để gắn kết lâu dài giữa hai bên, vì hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến chưa sản xuất nguyên liệu mà doanh nghiệp chế biến cần, đồng thời Công ty Sailun (Việt Nam) nên cung cấp nhu cầu cần đáp ứng đối với nguyên liệu đầu vào, cũng như ưu tiên tiêu thụ nguyên liệu chế biến của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh./.
Tác giả bài viết: Kim Phương-SCT.
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến công & TVPTCN Tây Ninh: