Kết quả 10 năm hoạt động khuyến công giai đoạn 2012-2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Thứ năm - 28/12/2023 09:46 Đọc bằng audio
3840
Trên cơ sở nội dung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công và Quyết định số 1288/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, tỉnh Tây Ninh đã ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển CNNT trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp ngành công thương tỉnh đã ban hành Chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng vào hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ. Trong đó, hoạt động khuyến công giai đoạn 2012-2022 đã hỗ trợ cho 76 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất (21 hộ kinh doanh, 04 doanh nghiệp tư nhân, 51 công ty. Đồng thời có 06 cơ sở thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách khuyến công); triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 137,006 tỷ đồng (Ngân sách trung ương hỗ trợ 10,513 tỷ đồng; Ngân sách địa phương hỗ trợ 11,668 tỷ đồng; Vốn đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn 114,825 tỷ đồng).
Các đề án triển khai thực hiện hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, lợi thế của địa phương. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương đúng mục đích, đúng chế độ và đạt hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đa phần các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ đang hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững và dần từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế (chí phí giá thành sản phẩm giảm) do đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến, mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu nhập.
Ngoài ra hàng năm tỉnh đều triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại, mời doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, kết nối cung cầu hàng hóa, phiên chợ hàng Việt về nông thôn,..qua đó giúp các doanh nghiệp phát triển thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng đã phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các bước như: đơn giản hóa thủ tục hành chính, xin chủ trương đầu tư, xây dựng dự án, hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước, xuất nhập khẩu nguyên liệu/hàng hóa phục vụ sản xuất.
Từ những kết quả hoạt động khuyến công đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tăng doanh thu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Tôn vinh các sản phẩm có giá trị sử dụng cao, có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh./.
Tác giả bài viết: Thành Giỏi - PKC
Nguồn tin: Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến Thương mại Tây Ninh