Mục tiêu tổng quát của Chiến lược
Phát triển các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu; khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy xuất khẩu góp phần tiêu thụ hết lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.
Mục tiêu cụ thể
Điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng giá trị gạo xuất khẩu. Theo Chiến lược này, trong giai đoạn 2017-2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4,5 – 5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá đạt bình quân khoảng từ 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn vào năm 2030, trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục được duy trì ổn định và tăng đạt khoảng 2,3 – 2,5 tỷ USD/năm.
Chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%, tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%, các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%, tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).
Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào hệ thống phân phối gạo của các nước; khai thác hợp lý, hiệu quả kênh xuất khẩu qua trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển, giao nhận, bảo quản và thanh toán. Thực hiện đạt mục tiêu về tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 22%, Trung Đông chiếm khoảng 2%, châu Âu chiếm khoảng 5%, châu Mỹ chiếm khoảng 8%, châu Đại dương chiếm khoảng 3%. Đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 25%, Trung Đông chiếm khoảng 5%, châu Âu chiếm khoảng 6%, châu Mỹ chiếm khoảng 10%, châu Đại dương chiếm khoảng 4%.
Định hướng chung phát triển thị trường xuất khẩu
Định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo thông dụng của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ lúa, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư. Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định. Tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.
Định hướng phát triển các thị trường cụ thể
Thị trường châu Á: Đối với thị trường Đông Nam Á là củng cố, giữ thị phần gạo có chất lượng trung bình trở lên tại các thị trường truyền thống trọng điểm (Philippines, Indonesia, Malaysia); đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm, gạo nếp. Thị trường Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả; đưa sản phẩm gạo có chất lượng, thương hiệu, có giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp; củng cố, duy trì thị phần gạo Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu gạo của Trung Quốc ở mức cao. Thị trường Đông Bắc Á, tăng cường quảng bá sản phẩm gạo chất lượng cao và hợp tác chặt chẽ với các nước để tăng khả năng trúng thầu trong đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu gạo của các nước, chú trọng đến gạo lứt hạt dài; từng bước chuyển từ đối tác quan hệ thương mại gạo thông thường sang thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, Nhật Bản vào lĩnh vực trồng, chế biến lúa gạo để xuất khẩu trở lại các thị trường này; thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ lúa gạo sang các thị trường này; phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Hàn Quốc, Nhật Bản từ dưới 2% năm 2015 lên khoảng 3% vào năm 2020 và khoảng 4 – 5% vào năm 2030.
Thị trường châu Phi, Trung Đông: Tăng cường quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các nước, chú trọng việc đàm phán, ký kết các Bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn; củng cố thị phần các loại gạo trắng, hạt dài, rời hạt, gạo cứng, gạo đồ, gạo thơm bằng cách nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng và các điều kiện thanh toán, giao thương tại các nước châu Phi; khai thác, tận dụng tiềm năng, lợi thế của các thị trường Iran và Irắc; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, kết nối với các đầu mối nhập khẩu gạo tại các thị trường này; khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường này từ dưới 2% năm 2015 lên 3% vào năm 2020 và 5% vào năm 2030; phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường Nam Phi từ mức dưới 4% năm 2015 lên 5 - 6% vào năm 2020 và ổn định mức này đến năm 2030; duy trì ổn định thị phần tại thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà.
Thị trường châu Âu: Đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao, tận dụng các ngách thị trường gạo hạt ngắn, gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đặc sản mà Việt Nam có lợi thế sản xuất, xuất khẩu; tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do để tăng thị phần; khai thác tiềm năng thị trường của cộng đồng người Việt, người châu Á, các nhà hàng, siêu thị để khuyến khích tăng nhu cầu tiêu dùng gạo Việt Nam; phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Liên minh kinh tế Á – Âu, trong đó thị trường Liên bang Nga từ mức 17% năm 2015 lên 19% vào năm 2020 và 20% vào năm 2030; thị phần tại thị trường Belarus ổn định ở mức 13 – 14%; phấn đấu tăng thị phần tại một số nước châu Âu (Pháp, Đức, Cộng hòa Séc) từ mức dưới 2% năm 2015 lên 4% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.
Thị trường châu Mỹ, châu Đại dương: Tập trung vào các phân khúc gạo chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác cơ hội thị trường tại các nước châu Mỹ - Latinh; phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ từ mức khoảng 3,7% năm 2015 lên 5% vào năm 2020 và 6 - 7% vào năm 2030; phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Mêhicô từ mức dưới 1% năm 2015 lên 3% vào năm 2020 và 5 - 6% vào năm 2030; tại thị trường Haiti từ mức khoảng 7% năm 2015 lên 9% vào năm 2020 và 11 - 12% vào năm 2030; tại thị trường Úc từ mức 3,6% năm 2015 lên 4% vào năm 2020 và 5 - 6% vào năm 2030.
Định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm gạo xuất khẩu để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo: Tăng tỷ lệ gạo trắng, hạt dài chất lượng cao (5 – 10% tấm), tăng tỷ trọng gạo trên 15% tấm; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo sản xuất theo quy trình sản xuất sạch, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo. Quy hoạch và tập trung đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa phục vụ các thị trường và phân khúc thị trường cụ thể, nhất là xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng, giá trị cao tại vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói theo yêu cầu của thị trường; đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nước ngoài và hàng rào kỹ thuật của các thị trường. Khẳng định được uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường nội địa, làm cơ sở cho việc quảng bá sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nhiệm vụ, giải pháp
Nội dung của Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm:
(1) Tổ chức sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường;
(2) Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế và đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường xuất khẩu;
(3) Phát triển thị trường xuất khẩu;
(4) Hoàn thiện thể chế;
(5) Nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo;
(6) Về cơ sở hạ tầng, logistics, thanh toán.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công tại Phụ lục kèm theo Quyết định này; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược, xác định nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thời hạn hoàn thành và nguồn lực thực hiện; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Thu Trang - SCT